“Phong cách kiến trúc Đông Dương” là tên gọi những sáng tạo của các kiến trúc sư Pháp và đã để lại cho chúng ta rất nhiều công trình đẹp.
Kiến trúc này đã góp phần tôn vinh nghệ thuật kiến trúc dân tộc, mặc dù nó còn nhiều điểm chiết trung, pha trộn (vì người Pháp không sành kiến trúc cổ điển Việt Nam), nhưng nó đã khích lệ các kiến trúc sư Việt Nam, sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương tiếp tục đi theo con đường nghệ thuật dân tộc.
Ảnh bên : Hệ thống mái đại sảnh của bảo tàng lịch sử
Kiến trúc gọi là “phong cách Đông Dương” là một loại kiến trúc mới do người Pháp ở nước ta sáng tác. Vì sao ra đời phong cách này? Trước tiên, những kiến trúc mang từ Pháp sang, sau một số năm thì bộc lộ nhiều bất cập, nhất là không phù hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, gió mạnh… cũng như tập quán sinh hoạt, truyền thống thẩm mỹ và cảnh quan Việt Nam. Sau nữa là lúc đó, vào những năm 30 – 40 của thế kỷ 20, ảnh hưởng của Pháp ở Việt Nam giảm sút. Để tranh thủ được lòng dân, để thân thiện hơn với Việt Nam, một số kiến trúc sư Pháp dạy tại trường Mỹ thuật Đông Dương nghĩ cách thiết kế những công trình mang tính chất Việt Nam để lấy lại lòng tin của dân Việt. Người có công nhất trong việc sáng lập ra phong cách kiến trúc này là Ernest Hébrard, giáo sư của trường Mỹ thuật Đông Dương, một viên chức cao cấp được chính phủ Pháp đưa sang để phụ trách công việc quy hoạch và kiến trúc của ba nước Đông Dương. Ông là kiến trúc sư nổi tiếng đã có giải thưởng Prix de Rome. Ông gọi nó là “phong cách kiến trúc Đông Dương” (style indochinois). Thực chất đây là một phong cách chiết trung Âu – Á, trong đó không chỉ có chi tiết kiến trúc của ba nước Đông Dương mà có cả chi tiết kiến trúc Trung Quốc. Hébrard sử dụng “phong cách kiến trúc Đông Dương” rất sáng tạo và đã để lại những công trình rất có giá trị nghệ thuật. Bảo tàng Louis Finot nay là bảo tàng Lịch sử là một trong những công trình như vậy.
Cầu thang với lan can decor không nặng nề / Hệ thống thông gió mái chồng diềm thấp như cổ diềm
Trong ảnh, những cây cột một trụ truyền thống của Việt Nam được chẻ thành hai cây. Ở đây có cả sự pha trộn kiến trúc Việt Nam và các nước châu Á / Chi tiết trần diềm vừa pha trộn kiến trúc đền đài châu Âu vừa kết hợp các hoạ tiết châu Á
Các chi tiết decor cửa, vòm trần và mái nhà